ó mặt ở cầu vượt Pháp Vân lúc 4h sáng với “núi” đồ đằng sau chiếc xe đạp, 10 phút sau, một quán nước nhỏ được mở hàng, phục vụ cho công nhân, người tập thể dục từ sáng sớm. Chủ quán là Hoàng Văn Luân, SV CĐ Phát thanh – Truyền hình I.
Tự xóa bỏ “cơ chế bao cấp”
Ngay từ nhỏ, Hoàng Văn Luân đã ham mê với những công việc cùng cha mẹ. Cậu hay tự nhận mình là “kẻ thích đi làm (ra) tiền”. Nhỏ thì Luân đi làm đồng rồi đẩy hàng ra chợ bán những sản phẩm cây nhà lá vườn.
Lớn hơn một chút, thời trung học, nghỉ Hè, Luân đã từng đi làm thợ mỏ ở vùng than Cẩm Phả, Quảng Ninh, nơi cách Nam Định quê cậu đến gần 200 cây số. Kiếm tiền để phụ giúp gia đình song Luân càng lúc càng ý thức rằng, chỉ có học vấn mới cho cậu tương lai rộng mở. “Đó chính là lý do tớ không đi theo các anh em trong làng lên thành phố mà quyết tâm thi đỗ vào khoa Điện tử viễn thông, trường CĐ Phát thanh – Truyền hình I”, Luân nói.
Đi học, tuy cha mẹ không bắt phải tự trang trải nhưng vì biết rõ cha mẹ ở nhà đang phải gồng mình để gửi lên cho cậu khoản chi tiêu ít ỏi hằng tháng, Luân lại sôi sục ý nghĩ kiếm một công việc làm thêm. Cậu nói: “Tớ tự thấy mình đã đủ lớn để xóa bỏ “cơ chế bao cấp” của phụ huynh”. Để thực hiện quyết tâm ấy, cậu đã trải qua đủ thứ nghề part - time: Phục vụ, bán hàng, phát tờ rơi… - những công việc đòi hỏi khá nhiều thời gian, khiến cậu khó tập trung vào việc học.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Luân quyết định mở quán nước cho riêng mình. Hằng ngày, Luân dậy từ gần 4h sáng để chuẩn bị nước nôi và sắp xếp đồ đạc chất lên xe đạp ra mở quán. Quán nước ở một vị trí thoáng dưới chân cầu vượt Linh Đàm- Pháp Vân.
Hiện nay, công trình cầu vượt này vẫn trong giai đoạn hoàn thiện nên có rất nhiều công nhân và những người ngoại tỉnh đến sống ở khu vực này. Đây cũng là một lý do khiến Luân quyết định chọn mở quán ở đây. Thêm nữa, buổi sáng Luân phải đến trường nên quán chỉ phục vụ đến hơn 7h. Việc này giúp Luân chủ động được thời gian hơn hẳn những công việc trước kia cậu đã làm.
Từ quán trà đá, Luân sớm nghĩ tới một quán cafe cho dân công nghệ.
Những trải nghiệm khó quên
Nhớ lại ngày đầu, vừa mang bàn ghế ra dọn hàng Luân đã bị mấy “thổ địa” ra dọa nạt. “Hết vía, chẳng còn tinh thần đâu mà làm ăn nữa” – Luân kể. Vài ngày đầu như thế, lãi của quán hàng chẳng thấy đâu mà vốn đã cạn.
Nhưng không bỏ cuộc, Luân kiên trì giải thích về công việc và ý định của mình. Luân cũng “làm marketing” bằng cách mời các bác hàng xóm, những bạn đi tập thể dục qua uống nước miễn phí. Dần dà, khi những lời giải thích của cậu sinh viên ham học đã “thấm”, các anh còn nhất định “để bọn anh quảng cáo hộ”.
Đến giờ, Luân có thu nhập trung bình khoảng 60.000 đồng/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng đủ để cậu trang trải cuộc sống, đóng học phí và còn dư một khoản tiết kiệm nhỏ để mua những món đồ có giá trị, phục vụ việc học. Những ngày cuối tuần, Luân tranh thủ cả buổi sáng, chỉ về ăn cơm buổi trưa rồi lại mở quán đến tận tối.
Ngoài giờ học trên lớp thì thời gian còn lại, Luân dành cho việc bán quán và tự học ở nhà. Sự chăm chỉ cả việc học và làm thêm đã giúp Luân có được kết quả đáng khích lệ: 5 kỳ liên tiếp Luân là sinh viên loại khá, cậu cũng vừa tự sắm được một chiếc laptop.
Luân tâm sự: “Quán nước tuy nhỏ nhưng đã cho tớ những bài học lớn. Từ kinh nghiệm đã có, tớ đang có ý định mở một quán café dành cho dân công nghệ. Những sinh viên như tớ vừa giải trí lại vừa có thể tìm hiểu về chuyên ngành học của mình”.
Theo SVVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét